Nhiều trường hợp sau khi tặng cho tài sản, muốn đòi lại tài sản đã tặng cho. Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này. Có được đòi lại tài sản đã tặng cho không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Khái niệm về hợp đồng tặng cho
Theo Điều 457 Bộ luật dân sự 2015:
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Theo đó, hợp đồng tặng cho là hợp đồng được lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên.
Bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng. Mà không yêu cầu đền bù, hay bồi thường thiệt hại gì cả.
Khi hợp đồng tặng cho đã được ký kết và có hiệu lực. Thì quyền sở hữu tài sản được chuyển giao cho bên nhận tài sản. Bên tặng cho không có quyền đòi lại tài sản đã tặng.
Điều kiện để hợp đồng tặng cho có hiệu lực
Hợp đồng tặng cho chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Hậu quả của hợp đồng tặng cho vô hiệu
Theo đó, trường hợp hợp đồng tặng cho tài sản không đảm bảo các điều kiện của hợp đồng thì hợp đồng sẽ bị xem là vô hiệu.
Căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Có được đòi lại tài sản đã tặng cho không?
Hợp đồng tặng cho có thể có điều kiện kèm theo. Người tặng cho có thể yêu cầu bên nhận thực hiện một nghĩa vụ. Hợp đồng tặng cho có điều kiện được quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ. Trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Theo như quy định, hợp đồng tặng cho có thể có điều kiện kèm theo. Nếu bên được tặng không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định được ghi trong hợp đồng tặng cho. Thì bên tặng có quyền đòi lại tài sản đã tặng cho.
Như vậy, bên tặng chỉ có thể đòi lại tài sản trong trường hợp hợp đồng tặng cho có điều kiện. Và bên được tặng không hoàn thành được nghĩa vụ của mình.
Trên đây là bài viết của Luật sư Bến Cát. Hãy liên hệ với chúng tôi để được Tư vấn luật cụ thể hơn.