Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
Trong thời kỳ hôn nhân, nam/nữ không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Tuy nhiên, ngoại tình là hành động không còn quá xa lạ trong xã hội hiện nay. Vậy ngoại tình bị xử phạt như thế nào?

1. Ngoại tình là gì?
Theo cách hiểu rộng rãi:
Ngoại tình được hiểu là dù đã kết hôn nhưng vẫn quan hệ tình cảm ngoài luồng với một người khác.
Về khía cạnh pháp lý:
Ngoại tình sẽ được hiểu là việc:
- Đang có vợ/chồng mà kết hôn với người khác; Chưa có vợ/chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ;
- Đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…
2. Ngoại tình bị xử phạt như thế nào?
Ở mức độ nhẹ:
Trái với đạo đức và chuẩn mực xã hội Việt Nam.
Ở mức độ cao hơn:
Pháp luật cũng quy định rõ ràng chế độ hôn nhân một vợ một chồng như sau:
(Luật hôn nhân và gia đình 2014)
“Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
Việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì tùy vào từng mức độ sẽ bị xử lý về hình sự hoặc xử phạt về hành chính….”
Do đó, tùy vào mức độ mà những người có hành vi ngoại tình sẽ bị xử phạt như sau:
Xử phạt hành chính:
Hành vi ngoại tình sẽ bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng. (Nghị định 82/2020/NĐ-CP)
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
…”
Xử lý hình sự:
Nếu mức độ nguy hiểm của hành vi này lớn thì chồng bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.”
Thực tiến xét xử:
Thực tiễn rất khó xử lý hình sự người ngoại tình. Vì trên thực tế, rất ít khi xảy ra trường hợp người đang có vợ/chồng mà “kết hôn được với người khác”. Bởi pháp luật quy định thủ tục đăng ký kết hôn rất chặt chẽ. Trường hợp có xảy ra thường là do làm giả giấy tờ.
Bên cạnh đó, đối với tình tiết “chung sống như vợ chồng”, các cơ quan tố tụng phải chứng minh là những người vi phạm có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoài vợ ngoài chồng này.
Liên hệ Đội ngũ Luật sư giỏi – Luật sư Bến Cát để được hỗ trợ.